Chương trình có phần chia sẻ của các diễn giả: TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM và TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long.

Đến với chương trình, nhiều giáo viên bày tỏ những trăn trở với công tác hướng nghiệp. Thầy Phạm Văn Quân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thông, cho biết công tác hướng nghiệp khiến nhiều giáo viên rất trăn trở. Ðể làm tốt, giáo viên hướng nghiệp cần phải cập nhật kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, đa số thầy cô đã tốt nghiệp khá lâu, nhiều người chưa được cập nhật kiến thức hướng nghiệp mới.

Giáo viên tỉnh Vĩnh Long nói về công tác hướng nghiệp tại các trường THPT hiện nay. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo TS Đặng Thị Ngọc Lan, ở các trường phổ thông, thầy cô chính là những người gắn bó với học sinh nhiều nhất. Nhiều học sinh chưa biết lựa chọn nghề nghiệp ra sao nhưng nếu thầy cô chủ nhiệm nói rằng cần vào ngành này, phù hợp ngành kia là các em theo ngay.

Vì vậy, vai trò của thầy cô đối với học sinh của mình trong việc định hướng nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng. "Nếu chúng ta định hướng đúng, các em sẽ phát triển và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đối với nước nhà" - TS Lan nhận xét.

TS Phạm Như Nghệ cho rằng nhiều học sinh và phụ huynh đã có định hướng chọn ngành nhưng với các em, giai đoạn này là rất quan trọng vì phải quyết định chọn trường để học. Theo ông, hướng nghiệp cho học sinh rất khó, chúng ta chỉ nên đưa ra thông tin để các em quyết định.

"Điều cơ bản cần nhớ là học sinh chọn ngành nghề gì phù hợp với điều kiện, phù hợp với năng lực, sở trường của các em nhất. Các thầy cô làm công tác hướng nghiệp phải biết nhiều thông tin về thị trường nhân lực, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Ở từng hệ đào tạo, thầy cô cần tư vấn cho học sinh những ưu và nhược điểm gì để các em lựa chọn" - TS Phạm Như Nghệ lưu ý.